Do phòng chật, Đức Mạnh đặt modem Wi-Fi trên bàn làm việc và thiết lập tùy chọn phủ sóng mức cao nhất, nhưng lại sợ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Đức Mạnh, 22 tuổi, nhân viên một công ty truyền thông ở TP HCM, cho biết anh phải ngồi cạnh modem nhằm đảm bảo kết nối do thường họp online với đối tác nước ngoài vào buổi tối. Tuy nhiên, anh có cảm giác không an tâm do đọc một số thông tin rằng sóng Wi-Fi có thể gây đau đầu.
Trên một số diễn đàn công nghệ, vấn đề này cũng đang được thảo luận trong bốn cáp quang biển cùng gặp sự cố, khiến Wi-Fi thường xuyên chập chờn và nhiều người cũng phải kéo modem lại gần để có kết nối ổn định hơn.
.Người dùng để modem Wi-Fi ở bàn làm việc. Ảnh: Infinigeek.
Thực tế, sóng Wi-Fi nếu được cài đặt ở mức đủ dùng sẽ không gây nguy hại tới sức khỏe của con người. Theo nghiên cứu của giáo sư Martin Pall năm 2018, các thiết bị Wi-Fi đều phát bức xạ điện từ (EMF). Tùy loại bức xạ, mức độ ảnh hưởng đến hệ thần kinh, thay đổi nội tiết và quá trình trao đổi chất sẽ khác nhau. Trong đó, sóng Wi-Fi phát ra bức xạ không ion hóa, được xem là ít hoặc không gây ảnh hưởng đến con người. Ngoài ra, các phép đo mức EMF từ nhiều nguồn Wi-Fi và thiết bị hỗ trợ Wi-Fi hoạt động cùng lúc, trong cùng một phòng, đều thấp hơn nhiều so với giới hạn phơi nhiễm của con người.
Tuy vậy, theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) và tổ chức về sức khỏe Environmental Health Trust (EHT), người dùng vẫn nên đặt modem Wi-Fi ở vị trí và khoảng cách phù hợp, nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng tới sức khỏe, tinh thần.
Công ty chuyên về bức xạ Defender Shield cho rằng thiết bị phát sóng nên để cách xa 10 feet (3,1 m) ở khu vực trung tâm ngôi nhà, hạn chế để ở phòng ngủ. Modem cũng nên được đặt ở vị trí cao, vừa giữ khoảng cách vừa phủ được toàn bộ không gian, cải thiện hiệu quả phát sóng. Nên thiết lập mức phát sóng vừa đủ, tránh kích hoạt chế độ cao nhất vì có thể gây ra một số vấn đề cho sức khỏe.
Theo The Verge, một số người chọn giải pháp đặt modem Wi-Fi vào một hộp sắt có lỗ (tương tự nguyên lý của lồng Faraday) nhằm giảm bức xạ. Điều này cũng phát huy tác dụng, nhưng thực tế không hoàn toàn cần thiết do có thể làm giảm khả năng phát sóng.
Bên cạnh bộ phát Wi-Fi, ETH cũng khuyến cáo các thiết bị phát ra sóng không dây phổ biến trong nhà cũng có bức xạ, dù rất nhỏ, như loa thông minh, máy chơi game, điện thoại, TV, chuột Bluetooth và hệ thống camera an ninh. Do đó, người dùng nên tắt thiết bị nếu không sử dụng, đặc biệt vào buổi tối khi đi ngủ, hoặc ưu tiên kết nối với những thiết bị có dây.